Kết cục Trận_Praha_(1757)

Trận đánh kết thúc với chiến thắng thuyết phục của Friedrich Đại đế. Không chỉ loại 14.275 quân Áo ra khỏi vòng chiến (10.000 tử vong hay bị thương, 4.275 bị bắt làm tù binh), quân binh Phổ đã chẻ đôi quân chủ lực Áo và nhốt 2/3 số quân còn lại của họ vào nội đô Praha.[1][4] Trong thư gửi chị ông là công chúa Wilhelmina vào đêm ngày 6 tháng 5, Friedrich tuyên bố ông đã đánh bại hoàn toàn quân đội Áo, và thật sự, theo sử gia Showalter, thắng lợi tại Praha đã nói lên sự vững mạnh của quân đội Phổ khi họ đánh bật 1 đạo quân ngang sức ra khỏi 1 vị trí phòng ngự cứng rắn.[3] Phải đến lúc thị sát trận địa vào buổi sáng hôm sau thì Friedrich mới thấy rõ cái giá cực kỳ đắt mà ông phải trả cho chiến thắng của mình. Thiệt hại của quân đội Phổ trong trận Praha lên đến 13.300 người (11.740 tử trận hay bị thương, 1.560 bị bắt làm tù binh), trong đó có nhiều bộ binh dày dạn kinh nghiệm mà Phổ không thể bù đắp. Thêm vào đó, Friedrich còn mất đi thống chế Schwerin, trung tướng Hautcharmoy cùng các thiếu tướng Emanuel von Schöning và Christian Friedrich von Blanckensee. Đây cũng là lần đầu tiên một số tiểu đoàn tinh nhuệ "Phổ xưa" bỏ trận mà chạy. Phía Áo cũng chịu 1 tổn thất to lớn khi Browne bị thương chí tử và qua đời vào ngày 26 tháng 6.[8] Theo nhà sử học Russell F. Weigley, nếu xét về tỷ lệ thương vong so với quân số tác chiến thì trận Praha tàn khốc hơn bất kỳ 1 trận đánh nào trước đó trong lịch sử cận-hiện đại.[4]

Nhận thấy mình không đủ binh lực để công chiếm thành phố rộng lớn này, Friedrich tiến hành bao vây Praha với niềm tin rằng Praha đang thiếu lương thực và điều này sẽ sớm buộc cư dân cùng "tàn binh bại tướng" trong thành phố khuất phục. Phải mất gần 1 tháng thì quân Phổ mới điều được công thành pháo từ Sachsen đến cửa ngõ Praha, và trong khoảng thời gian đó, nữ hoàng Áo Maria Theresia kiên quyết thuyết phục Pháp không từ bỏ cuộc chiến cho đến khi Áo lấy lại Schlesien. Từ ngày 29 tháng 5, các khẩu đội Phổ ra sức bắn phá Praha trong vòng 5 ngày nhưng không thể buộc thành phố đầu hàng. Sau khi chiêu tập được 55.000 binh sĩ ở mạn đông Böhmen đầu tháng 6, thống chế Áo Leopold Joseph von Daun tiến quân về phía đông vào ngày 12 tháng 6 nhằm giải vây Praha theo mệnh lệnh trực tiếp của tể tướng Kaunitz. Tình hình đó buộc vua Phổ phải nới lỏng vòng vây và dẫn 35.000 quân đi đánh Daun, người đã lập 1 tuyến phòng thủ kiên cố ở phía tây thị trấn Kolín. Bị thảm bại trong trận Kolín vào ngày 18 tháng 6, Friedrich Đại đế đành bỏ vây Praha đồng thời rút toàn bộ quân đội khỏi lãnh thổ Áo. Từ đây, Phổ buộc phải bị động đối phó với các cuộc tấn công từ nhiều hướng của liên minh Áo, Pháp và Nga.[3][6]